Di sản cộng đồng các dân tộc Việt, Khmer, Chăm, Hoa góp phần phát triển du lịch

THÙY TRANG

VHO - Lễ hội cấp quốc gia Vía Bà Chúa Xứ núi Sam vừa chính thức khai hội vào tối 29.5 (nhằm 22.4 âm lịch), tại TP Châu Đốc, tỉnh An Giang với mở đầu là lễ phục hiện rước tượng Bà từ bệ đá Bà ngự trên đỉnh núi Sam về nhập miếu. Đây là một trong những nghi thức quan trọng trong chuỗi các nghi thức của lễ hội.

Di sản cộng đồng các dân tộc Việt, Khmer, Chăm, Hoa góp phần phát triển du lịch - ảnh 1

Không gian thực hiện Lễ phục hiện rước tượng Bà Chúa Xứ núi Sam từ bệ đá bà ngự trên đỉnh núi Sam 

Lễ phục hiện rước tượng Bà Chúa Xứ núi Sam được diễn ra trong không khí trang nghiêm, với các nghi thức Lễ khai thủy – Đăng sơn - Thỉnh thánh mẫu; dâng hương đài liệt sĩ; di kiệu bà từ đài liệt sĩ lên đỉnh núi Sam để thực hiện lễ phục hiện thỉnh mão bà lên kiệu. 

Sau khi nghi lễ rước tượng bà từ đỉnh núi xuống nơi an vị thuộc phường Núi Sam (TP Châu Đốc), chương trình sân khấu hóa được tổ chức ngay sân miếu Bà Chúa Xứ núi Sam. Các vị bô lão trong làng đã tái hiện lại điển tích rước tượng và lập miếu thờ Bà.

Di sản cộng đồng các dân tộc Việt, Khmer, Chăm, Hoa góp phần phát triển du lịch - ảnh 2

Di kiệu Bà từ đài liệt sĩ lên đỉnh núi Sam để thực hiện lễ phục hiện thỉnh mão Bà lên kiệu

Truyền thuyết kể rằng, cách đây hơn 200 năm, núi Sam còn hoang vu, dân làng lên núi phát hiện pho tượng cổ ngồi trên bệ đá sa thạch. 

Trong thời gian đó, quân Xiêm thường xuyên quấy nhiễu nước ta, có lần chúng lên đỉnh núi Sam thì gặp pho tượng cổ này. Dù nhiều lần ra sức khiêng tượng xuống núi nhưng cố gắng thế nào cũng không thể di chuyển tượng được, nên chúng phải bỏ lại.

Dân làng thấy vậy nên có ý muốn “thỉnh” tượng xuống núi để gìn giữ và phụng thờ. Bao nhiêu tráng đinh lực điền được huy động nhưng không sao nhấc pho tượng lên được.

Các bộ lão trong làng cầu khấn thì có một bé gái đang đùa giỡn bỗng dưng ngồi lại, mặt đỏ bừng, đầu lắc lư mách bảo: “Hãy chọn 9 cô gái đồng trinh để đưa bà xuống núi”. 

Xuống đến chân núi, tượng bỗng nặng trịch, không nhấc lên nổi. Dân làng hiểu rằng bà muốn ngự nơi đây nên đã lập miếu thờ. Ban đầu, miếu bà được xây dựng đơn sơ bằng tre lá, sau nhiều lần trùng tu, miếu bà mới được hoàn chỉnh và khang trang như hiện nay.

Lễ hội cấp quốc gia Vía Bà Chúa Xứ núi Sam là lễ hội đặc sắc có từ lâu đời, mang đậm giá trị văn hóa tâm linh tín ngưỡng của người dân vùng Nam Bộ, thu hút đông đảo du khách hành hương, chiêm bái và tham dự. 

Di sản cộng đồng các dân tộc Việt, Khmer, Chăm, Hoa góp phần phát triển du lịch - ảnh 3

Các nghi thức cung thỉnh Thánh mẫu Chúa Xứ núi Sam xuống núi được thực hiện trên đỉnh núi nơi Bà ngự

Thông qua các hoạt động tại Lễ hội, TP Châu Đốc mong muốn quảng bá, giới thiệu với bạn bè trong nước, quốc tế về tiềm năng, thế mạnh, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa, con người Châu Đốc. Qua đó, thu hút đầu tư, khách tham quan đến với thành phố, góp phần thúc đẩy ngành du lịch tỉnh nhà phát triển.

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam là lễ hội dân gian truyền thống độc đáo của An Giang nói chung và Châu Đốc nói riêng. Lễ hội chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc, khát vọng của cộng đồng hướng đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống. 

Lễ hội còn mang tính cộng đồng cao, thể hiện sự sáng tạo và được lưu truyền qua nhiều thế hệ. 

Năm 2014, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam được Bộ VHTTDL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) quốc gia. Hiện nay, Lễ hội đang được Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng hồ sơ trình UNESCO đề nghị công nhận là DSVHPVT đại diện nhân loại. Bộ cũng đã có văn bản gửi Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam về việc đề cử Lễ Vía Bà Chúa Xứ núi Sam là lựa chọn ưu tiên trình UNESCO xem xét vào năm 2024. 

Di sản cộng đồng các dân tộc Việt, Khmer, Chăm, Hoa góp phần phát triển du lịch - ảnh 4

Lễ phục hiện rước tượng Bà Chúa Xứ núi Sam từ đỉnh núi Sam xuống miếu Bà thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách thập phương tham dự

Năm 2018, Khu du lịch núi Sam với cảnh quan thiên nhiên độc đáo cùng quần thể di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia gồm miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, chùa Tây An, lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Hang gắn với Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam được Bộ VHTTDL công nhận là Khu du lịch quốc gia với định hướng phát triển trở thành trung tâm du lịch đặc sắc về văn hóa tâm linh của vùng ĐBSCL và cả nước.

Ông Lê Văn Phước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: “Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam là một lễ hội phản ánh thực hành tín ngưỡng và hoạt động văn hóa tâm linh của cư dân địa phương, mang tính cộng đồng cao. 

Lễ hội thể hiện bản sắc và sự kế tục của cộng đồng người Việt trong tiến trình giao lưu tiếp biến văn hóa với cộng đồng người các dân tộc Khmer, Hoa, Chăm. Lễ hội tôn vinh Bà Chúa Xứ cũng là dịp người dân thể hiện lòng tin yêu, tri ân, tôn kính đối với những người có công với dân với nước. Hằng năm, lễ hội Vía Bà thu hút thu hút hàng triệu lượt khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, hành hương.

Di sản cộng đồng các dân tộc Việt, Khmer, Chăm, Hoa góp phần phát triển du lịch - ảnh 5

Lễ phục hiện rước tượng Bà là một trong những nghi thức quan trọng trong chuỗi các nghi thức của Lễ hội

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân An Giang, chứa đựng những giá trị lịch sử - văn hóa đặc trưng trong dòng chảy văn hóa Nam Bộ. Bản sắc văn hóa trong Lễ hội được cộng đồng duy trì, thực hành, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, có tính lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống văn hóa tâm linh”.

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam năm 2024 được tổ chức từ ngày 29.5-3.6 (nhằm ngày 22–27.4 âm lịch). Trình tự của lễ hội có các nghi thức: Lễ tắm Bà; Lễ thỉnh sắc Thoại Ngọc Hầu về miếu Bà; Lễ túc yết; Lễ xây chầu; Lễ chánh tế. 

Theo đó, phần lễ diễn ra theo nghi thức truyền thống, nhưng nội dung và hình thức được đầu tư nâng chất theo hướng tạo điều kiện để du khách, người dân cùng tham gia.

Di sản cộng đồng các dân tộc Việt, Khmer, Chăm, Hoa góp phần phát triển du lịch - ảnh 6

Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam trong những ngày diễn ra Lễ hội

Phần hội có lễ khai hội được tổ chức vào đêm trước lễ tắm bà. Chương trình sinh động với nhiều tiết mục như Sân khấu hóa dựng lại hình ảnh thời mở đất, chiến đấu với giặc ngoại xâm và sự xuất hiện của Bà Chúa Xứ và các hoạt động văn hóa- văn nghệ, thể dục - thể thao, giải trí phục vụ người dân địa phương và du khách.